Tăng trưởng kinh tế là một yếu tố quan trọng để đánh giá sự phát triển của một quốc gia. Nếu bạn là một người yêu thích lĩnh vực kinh tế hay có đam mê kinh doanh thì không nên bỏ qua yếu tố này nhé. Vậy chúng ta cùng tìm hiểu về tăng trưởng kinh tế là gì, nó có ý nghĩa như thế nào và có những nhân tố gì ảnh hưởng đến nền kinh tế?
1. Khái niệm tăng trưởng kinh tế là gì?
Tăng trưởng kinh tế (Economic growth) là sự gia tăng của tổng thu nhập quốc dân (GNP) hoặc tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong một thời kỳ nhất định.
Tăng trưởng kinh tế được so sánh theo các thời điểm làm gốc để xác định xem sự gia tăng mức sản xuất mà nền kinh tế tạo ra là nhanh hay chậm so với thời điểm gốc.
Nhiều người dễ nhầm lẫn 2 khái niệm tăng trưởng kinh tế và phát triển kinh tế. Bạn xin lưu ý, phát triển kinh tế nó có nội hàm rộng hơn tăng trưởng kinh tế. Bởi vì phát triển kinh tế bao gồm:
- Tăng trưởng kinh tế
- Đảm bảo công bằng xã hội
- Cơ cấu kinh tế dịch chuyển theo hướng hiện đại
2. Các chỉ tiêu đánh gia tăng trưởng kinh tế
- Tổng sản phẩm quốc nội ( GDP): tổng giá trị thành tiền của toàn bộ sản phẩm, dịch vụ cuối cùng được sản xuất trong nước tại một thời gian nhất định.
- Tổng sản phẩm quốc dân (GNP): tổng giá trị thành tiền của toàn bộ sản phẩm và dịch vụ cuối cùng được tạo ra bởi công dân một nước trong một thời gian nhất định.
3. Ý nghĩa của tăng trưởng kinh tế
- Đối với các nhà kinh tế học và các doannh nghiệp: xây dựng được chiến lược, những bước đi kinh doanh trong tương lai nhờ vào việc phân tích tốc độ tăng trưởng kinh tế, từ đó thu thập các thông tin liên quan đến mức sống người dân, mức thu nhập bình quân đầu người.
Nhưng đối với một số quốc gia có sự phân hóa sâu sắc về giàu-nghèo như Trung Quốc, Ấn độ… tuy tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhưng có một phần lớn người có chất lượng cuộc sống rất thấp.
- Đối với chính phủ: Để chính phủ đánh giá về quản lý nền kinh tế, kế hoạch điều hành có được hiệu quả hay không thì tăng trưởng kinh tế là một tiêu chí vô cùng quan trọng. Căn cứ vào đó mà chính phủ ra quyết sách về chính trị, an ninh quốc phòng, phúc lợi, an cư xã hội kèm theo những công cụ điều hành kinh tế trong giai đoạn tiếp theo.
4. Các nhân tố ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế
Vốn
Theo nghĩa hẹp, vốn là yếu tố đầu vào được sử dụng cho quá trình sản xuất và nó gồm 2 hình thức cơ bản:
- Vốn tài chính: đó là tiền tệ và các loại chứng khoán
- Vốn ở hình thái vật chất: nguyên vật liệu, thiết bị, máy móc, nhà xưởng…
Theo nghĩa rộng, vốn là tất cả những yếu tố tự nhiên và của cải vật chất do con người tạo ra, tích lỹ được dùng cho quá trình sản xuất
Nguồn nhân lực
Nó bao gồm toàn bộ những yếu tố xuất hiện tại người lao động như kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng, kỷ luật. Con người là yếu tố quan trọng nhất trong tất cả các yếu tố gia tăng chất lượng sản xuất, bởi vậy nó ảnh hưởng rất lớn đến tốc độ phát triển kinh tế.
Khoa học và công nghệ
Để giúp kinh tế phát triển và tái sản xuất mở rộng theo chiều sâu thì khoa học và công nghệ là yếu tố không thể thiếu. Bởi khoa học càng phát triển, công nghệ càng tân tiến thì năng suất lao động càng được nâng cao, chất lượng sản phẩm càng tốt, thặng dư nền kinh tế càng nhiều như vậy nguồn tích lũy kinh tế cho đầu tư lớn mạnh và bền vững.
Cơ cấu kinh tế
Cơ cấu kinh tế gồm: Cơ cấu thành phần kinh tế, cơ cấu vùng và cơ cấu nghành kinh tế. Nó đóng vai trò quan trọng để tăng trưởng kinh tế.
Cơ cấu kinh tế chất lượng ở chỗ đánh giá đúng vai trò, xác định đúng tỷ trọng của các thành phần kinh tế, các vùng, các ngành từ đó đưa ra các chiến lược phù hợp.
Thể chế chính trị và quản lý nhà nước
Đây là nhân tố ảnh hưởng đến toàn bộ các nhân tố khác.
Nếu nhà nước có chính sách kinh tế đúng đắn, thể chế chính trị ổn định sẽ giúp cho tăng trưởng kinh tế bền vững, nhanh chóng, giải quyết được những lỗ hổng của những hình thức tăng trưởng kinh tế trong quá khứ như sự phát triển chênh lệch giữa các khu vực, phân hóa giàu nghèo, ô nhiễm môi trường
Bên cạnh đó giúp cho việc sử dụng các nguồn vốn, nguồn nhân lực, áp dụng hiệu quả công nghệ kỹ thuật để tăng trưởng kinh tế đạt được kết quả tốt nhất.